Khoản 8 Điều 18 Luật Phá sản quy định về quyền và nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản như sau: “Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”. Vì vậy, khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ hoặc con nợ có đề nghị Tòa án để Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì Tòa án phải làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Luật Phá sản chỉ phải nộp:
“Kèm theo đơn phải có chứng cứ chứng minh khoản nợ đến hạn” đối với chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần (Khoản 2 Điều 26 Luật Phá sản năm 2014).
“Kèm theo đơn phải có chứng cứ để chứng minh lương và các khoản nợ khác đến hạn” đối với người lao động, đại diện công đoàn (khoản 2 Điều 27 Luật Phá sản năm 2014)
Do vậy, họ không bắt buộc phải gửi kèm Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản quy định những hành vi bị nghiêm cấm sau đây:
“a. Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;”
Và điểm a khoản 2 Điều 79 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;”
Như vậy, việc làm của anh là vi phạm điều cấm của pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền tối đa là 7.000.000 đồng.