Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Đặc trưng và động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển bền vững

25 tháng 07, 2023

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ mang nét riêng và trở thành động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển bền vững.

Sáng 25/7/2023, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức hội thảo “Giải pháp xây dựng văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Đặc trưng và động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển bền vững

Nhiều lợi thế tạo đặc trưng riêng

Chia sẻ tại hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, không gian văn hóa Hồ Chí Minh của TP.HCM trước hết phải là một môi trường văn hóa lành mạnh để hình thành lớp cư dân năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái và nghĩa tình trong các hoạt động kinh tế phát triển bền vững. Nói cách khác là xây dựng một môi trường sinh thái về kinh tế tương xứng với không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM.

Phải hiểu khái niệm “không gian” trong cách gọi “không gian văn Hồ Chí Minh” được nêu trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ (khóa XI, 2020-2025) là một môi trường sinh thái để tư tưởng Hồ Chí Minh có thể phát huy, tác động vào con người và công cuộc phát triển (trong đó có các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp) của thành phố có hiệu quả và tạo nên những đặc trưng (ưu trội) khác với những nơi (không gian) khác.

Đây phải là nỗ lực của toàn thành phố chứ không phải chỉ là sự cộng lại các không gian riêng lẻ của những cộng đồng, đơn vị, khu dân cư như các trường học, khu phố, cơ quan xí nghiệp… Tuy nhiên, đối với mỗi cộng đồng có những cách tiếp cận để hình thành những giá trị phù hợp.

“Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh mà ở đó những đặc trưng văn hóa của con người TP.HCM được phát huy với các phẩm chất năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái và nghĩa tình”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Đặc trưng và động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển bền vững

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM đã cho ra mắt “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với nhiều nội dung, hình thức và hoạt động thiết thực, gắn chặt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hầu hết DN vừa triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo định hướng, gợi mở của cấp trên, vừa tự mình sáng tạo ra các cách thức phù hợp với điều kiện cụ thể của DN.

Từ đó, các đơn vị DN chưa có một kế hoạch dài hơi, việc thực hiện ở từng nơi có sự khác biệt nhau dẫn đến không thống nhất, không liên thông nhau, chưa phát huy hết nội lực vốn có bởi đặc thù của DN đang sản xuất - kinh doanh tại TP.HCM.

Ông TS. Lê Tùng Lâm - Trường Đại học Sài Gòn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao, phát triển văn hóa DN cho toàn thể lãnh đạo, quản lý, nhân viên trong đơn vị, việc quán triệt học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất cấp thiết. Cần phải đẩy mạnh hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong DN. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong DN (bao gồm không gian vật thể và không gian phi vật thể) là kết hợp các các yếu tố năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái nghĩa tình với tiếp tục học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cần tư duy đột phá

Theo các diễn giả, doanh nhân, vấn đề đầu tiên là phải xây dựng được một hệ thống luật pháp “lành mạnh” ở cả phương diện ban hành và thực thi. Đồng thời, mỗi DN, doanh nhân nên xây dựng những quy chuẩn về đạo đức mang tính nghề nghiệp. Do vậy, để thực hiện, ngoài việc tổ chức nghiên cứu để tiếp cận một cách khoa học, xây dựng hệ thống các chuẩn mực để tạo sự thống nhất về mục đích song song với việc tuyên truyền quảng bá để thu hút người tham gia, tổ chức qua các trải nghiệm cụ thể để đúc rút kinh nghiệm…

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, muốn đưa chủ trương này đi vào thực chất, tránh hình thức, mang tính phong trào… cần có những tư duy “đột phá” tạo tâm thế mới để tiếp cận những vấn đề tưởng như không mới. Để tương xứng với không gian văn hóa Hồ Chí Minh của TP.HCM, thành phố phải có “môi trường văn hóa lành mạnh” để con người thể hiện được. Trong đó, hai vấn đề quan trọng cần thực hiện thể hiện tâm thế của TP.HCM.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Đặc trưng và động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển bền vững

Thứ nhất là nâng cấp cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng TP.HCM chinh phục khách hàng Việt Nam”.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong một vị thế mới. Cuộc vận động tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh, những người lãnh đạo phải học và hành trước hết và trước mặt quần chúng để mọi người đánh giá và biểu dương.

Theo ông Dương Trung Quốc, làm được hai việc này sẽ bám sát được những mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ TP.HCM đã đặt ra và một không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ trở thành hiện thực như một môi trường lành mạnh cho người dân, doanh nhân thành phố phấn đấu có được những phẩm chất trên.

“Thường người ta nói, phú quý sinh lễ nghĩa nhưng với TP.HCM thì lễ nghĩa sinh phú quý. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ là nét riêng và trở thành động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển bền vững”, ông Dương Trung Quốc nói.

Và đi vào thực chất

Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) cho rằng, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một chủ trương sáng tạo của Đảng bộ TP.HCM hướng tới sự phát triển văn hóa, con người luôn đổi mới, hướng đến chân - thiện - mỹ, đáp ứng thực tiễn của một đô thị đặc thù, trung tâm về kinh tế - văn hóa và hội nhập hàng đầu cả nước. Đây là nhân tố góp phần tạo động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Việc xây dựng văn hóa đặc trưng của DN, doanh nhân TP.HCM trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, chưa có mô hình cụ thể để tham khảo trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, cần có một giải pháp khoa học, đồng bộ và thực tiễn gắn với doanh nhân, gắn với người lao động và đặc biệt là gắn với đặc thù của TP.HCM.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Đặc trưng và động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển bền vững

Cụ thể, phải xem tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng văn hóa - một trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Ứng dụng tư tưởng, văn hóa và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đời sống của doanh nhân, người lao động trong bối cảnh hội nhập, môi trường năng động sáng tạo và đa thông tin như hiện nay.

Bên cạnh đó, phải có giải pháp để không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong DN phát triển tự nhiên và hòa mình vào không gian chung của thành phố, tạo nguồn sinh khí hơn cho DN triển khai. Đồng thời, cách tiếp cận về tuyên truyền, trình bày không gian, hình ảnh, tư liệu… cũng cần có chiến lược, gần gũi, phù hợp và sát với thực tiễn hội nhập của thành phố, của sự phát triển của công nghệ thông tin, thực tiễn của sự khác biệt thế hệ trong đó có gen Z…

Còn theo TS. Lê Tùng Lâm, giải pháp để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và nâng cao văn hóa DN, trước nhất lãnh đạo DN cần ưu tiên khai thác, đầu tư cơ sở vật chất cần thiết để hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đơn vị. Thứ hai, đưa hoạt động giáo dục, tuyên truyền về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào doanh nghiệp một cách hiệu quả, thực tế. Thứ ba, doanh nghiệp cũng phải chú trọng xây dựng “không gian văn hóa phi vật thể” về Hồ Chí Minh. Thứ tư, doanh nghiệp phải phát huy vai trò của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên trong xây dựng, phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Đặc trưng và động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển bền vững

“Đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hướng vào thực chất, hiệu quả, để văn hóa Hồ Chí Minh đi vào đời sống thực tiễn, việc kết hợp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với phát triển văn hóa DN là rất cần thiết”, ông Lê Tùng Lâm nhấn mạnh.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn Online.