Vai trò của quản tài viên trong phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị chủ nợ theo Luật Phá sản 2014

24 tháng 08, 2022

Theo Luật Phá sản 2014, quản tài viên có vai trò gì trong việc phối hợp, hỗ trợ tổ chức hội nghị chủ nợ, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm quản tài viên và Hội nghị chủ nợ theo Luật phá sản 2014.

2. Cách thức tiến hành Hội nghị chủ nợ và vị trí của Quản tài viên trong Hội nghị.

3. Vai trò của quản tài viên trong phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị chủ nợ theo Luật Phá sản 2014.

 

Luật Phá sản 2014 quy định như thế nào về vai trò của Quản tài viên trong việc phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị chủ nợ. Hãy tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.

 Vai trò của quản tài viên trong phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị chủ nợ theo Luật Phá sản 2014

Vai trò của quản tài viên trong phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị chủ nợ theo Luật Phá sản 2014 (ảnh minh họa).

1. Khái niệm quản tài viên và Hội nghị chủ nợ theo Luật phá sản 2014:

  • Quản tài viên là một chức danh mới được ghi nhận tại Khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản 2014, theo đó, quản tài viên được giải thích là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Như vậy, có thể hiểu quản tài viên là người thực hiện công việc: quản lý và thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp phá sản.
  • Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, việc giải quyết các trách nhiệm về tài chính là một trong những vấn đề ưu tiên và bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Mục đích cơ bản và quan trọng nhất của thủ tục phá sản là bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ nợ. Bởi vậy, bất kỳ quốc gia nào cũng dành cho chủ nợ quyền tham gia hội nghị chủ nợ. Thông qua việc giải quyết các trách nhiệm về tài chính, Hội nghị chủ nợ là cuộc họp của các chủ nợ được triệu tập trong thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thảo luận thông qua phương án hòa giải, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc kiến nghị về phương án phân chia tài sản khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

2. Cách thức tiến hành Hội nghị chủ nợ và vị trí của Quản tài viên trong Hội nghị:

 Cách thức tiến hành hội nghị chủ nợ

Cách thức tiến hành hội nghị chủ nợ (ảnh minh họa).

  • Hội nghị chủ nợ được tiến hành như sau:
  • Thẩm phán được phân công phụ trách khai mạc Hội nghị chủ nợ;
  • Hội nghị chủ nợ biểu quyết thông qua việc cử Thư ký Hội nghị chủ nợ theo đề xuất của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để ghi biên bản Hội nghị chủ nợ;
  • Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo về sự có mặt, vắng mặt của người tham gia Hội nghị chủ nợ theo thông báo triệu tập của Tòa án nhân dân, lý do vắng mặt và kiểm tra căn cước của người tham gia Hội nghị chủ nợ;
  • Thẩm phán thông báo với Hội nghị chủ nợ về những người tham gia Hội nghị chủ nợ và nội dung việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
  • Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thông báo cho Hội nghị chủ nợ về tình hình kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; kết quả kiểm kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ và các nội dung khác nếu xét thấy cần thiết;
  • Chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã trình bày ý kiến về nội dung do Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã thông báo cho Hội nghị, đề xuất phương án, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, khả năng và thời hạn thanh toán nợ;
  • Chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ trình bày về những vấn đề cụ thể yêu cầu giải quyết, lý do, mục đích và căn cứ của việc yêu cầu giải quyết phá sản;
  • Người có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ trong việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản;
  • Người làm chứng trình bày ý kiến; người giám định, đại diện cơ quan thẩm định giá trình bày kết luận giám định, kết quả định giá; người thực hiện biện pháp bổ trợ tư pháp khác giải thích những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn;
  • Trường hợp có người vắng mặt thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho công bố ý kiến bằng văn bản, tài liệu, chứng cứ do người đó cung cấp;
  • Hội nghị chủ nợ thảo luận về các nội dung do Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã thông báo và ý kiến của những người tham gia Hội nghị chủ nợ;
  • Các chủ nợ có quyền thành lập Ban đại diện chủ nợ.
  • Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các chủ nợ.

3. Vai trò của quản tài viên trong phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị chủ nợ theo Luật Phá sản 2014:

  • Qua đó, có thể thấy, quản tài viên có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phối hợp, hỗ trợ tổ chức Hội nghị chủ nợ tại Điều 16 Luật Phá sản 2014. Cụ thể:
  • Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã;
  • Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ;
  • Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản;
  • Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản;
  • Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản;
  • Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản.
  • Với những vai trò của Quản tài viên tại Hội nghị chủ nợ, Quản tài viên là người hỗ trợ doanh nghiệp, Tòa án, đảm bảo sự minh bạch, chính xác quá trình xử lý tài sản của doanh nghiêp trong quá trình giải quyết phá sản tại Tòa án. Quản tài viên giúp cho hoạt động quản lý tài sản, giám sát hoạt động quản lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được hiệu quả, cũng như thủ tục phá sản được diễn ra nhanh chóng, ít tốn kém hơn.

Tham khảo thêm bài viết:

Bộ Xây dựng tổng hợp dự án nhà ở xã hội, chung cư cũ cải tạo.
Quy định mới về quản lý ngoại hối với phát hành trái phiếu quốc tế.

Chính thức giảm 10 % thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng.
Sửa đổi quy định về giá tính thuế GTGT khi chuyển nhượng bất động sản.