Hướng dẫn về tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp doanh nghiệp nợ thuế

12 tháng 04, 2024

Đây là nội dung hướng dẫn tại Công văn 1457/TCT-QLN ngày 10/4/2024 của Tổng cục Thuế về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế.

Về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, Tổng cục Thuế căn cứ vào các quy định sau để hướng dẫn:

- Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 của Quốc hội;

- Căn cứ khoản 5 Điều 36, khoản 5 và khoản 11 Điều 37, điểm b khoản 1 Điều 38, khoản 2 Điều 39 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 ngày 22/11/2019 của Quốc hội;

- Căn cứ khoản 7 Điều 124 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội.

- Căn cứ điểm a khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Hướng dẫn về tạm hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế

Hướng dẫn về tạm hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế (Ảnh minh họa).

Căn cứ các quy định nêu trên và các tài liệu kèm theo công văn số 693/CTHBI-QLN ngày 07/02/2024 của Cục Thuế tỉnh Hòa Bình thì:

- Trường hợp có đủ căn cứ để xác định một cá nhân không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế và không có nghĩa vụ đối với số tiền thuế nợ của doanh nghiệp liên quan thì cá nhân đó không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh.

- Trường hợp cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cá nhân đó có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.

Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế và công tác quản lý thuế trên địa bàn để quyết định việc lựa chọn các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

Nguồn Luật Việt Nam.