Có kiện được khi bị lừa đảo không? Lấy lại tiền như thế nào?

01 tháng 04, 2022

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi vi phạm pháp luật dù bằng bất cứ hình thức, thủ đoạn nào. Tùy vào mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với các vụ việc lừa đảo, người bị hại cần làm đơn tố giác tới cơ quan Công an để được giải quyết. Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Thông tư liên tịch số 01/2017, các cơ quan, tổ chức sau có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm gồm:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Cơ quan điều tra;

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

- Viện kiểm sát các cấp;

- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an;

- Tòa án các cấp;

- Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Người bị hại/nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể tố giác tội phạm tại Công an xã, phường, thị trấn; Đồn Công an… nơi cư trú để được giải quyết. Hồ sơ gồm:

- Đơn trình báo vụ việc;

- Bản sao Chứng minh thư, Căn cước công dân của người bị hại;

- Các tài liệu, cứng cứ kèm theo có liên quan đến hành vi lừa đảo.

Căn cứ Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm như sau:

- Đối với các tin báo tội phạm thông thường: Không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Đối với tố giác, tin báo về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm: Có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm.